Bạn đang truy cập: Tin tức
  TIN TỨC  
  
 

Dịch heo tai xanh: Tiền Giang thiệt hại trên 400 tỉ đồng

* 21 tỉnh, thành phố có dịch heo tai xanh
TT - Ngày 12-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát và đại diện Cục Thú y đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch heo tai xanh tại tỉnh Tiền Giang.
 
Trước khi làm việc với UBND tỉnh, bộ trưởng đã đi thực tế nắm tình hình dịch bệnh và công tác chống dịch ở huyện Cai Lậy (huyện bị thiệt hại nặng nhất với toàn bộ xã, thị trấn đều xảy ra dịch với 15% đàn heo trong huyện mắc bệnh).
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch heo tai xanh tỉnh Tiền Giang, dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-7. Đến nay đã ghi nhận dịch tại 127/169 xã, phường ở tất cả 10 huyện với 33.830 con heo. Trong đó đã tiêu hủy hơn 17.000 con, còn lại đang điều trị.
Tiền Giang đã công bố dịch heo tai xanh trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 19-7. Thời gian qua dịch bệnh lây lan rất nhanh, có ngày ghi nhận tới 1.800 con heo mắc bệnh và trung bình là 1.000 con/ngày.
"Heo tai xanh gây thiệt hại cho người chăn nuôi có heo bệnh như nói trên nhưng hơn 90% hộ không có heo bệnh bị thiệt hại còn lớn hơn. Hiện nay heo bệnh bị tiêu hủy được Nhà nước hỗ trợ 25.000 đồng/kg, giá thịt heo hơi sạch trên thị trường chỉ còn 20.000-22.000 đồng/kg"
Ông Nguyễn Văn Khang (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang)
Mặc dù bệnh tai xanh chỉ mới xảy ra ở 6% số hộ nuôi heo và 6,2% tổng đàn heo trong toàn tỉnh Tiền Giang nhưng đến nay thiệt hại ước tính đã lên tới hơn 400 tỉ đồng.
Tình hình nghiêm trọng đến mức thường trực Tỉnh ủy đã có hai văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị phải vào cuộc dập dịch heo tai xanh. Cố gắng đến cuối tháng 8-2010 phải kiểm soát được dịch, không để lây lan gây thiệt hại cho người dân. UBND tỉnh Tiền Giang dự báo nếu khống chế được dịch vào cuối tháng 8-2010 thì sẽ có 8% tổng đàn heo bị bệnh, thiệt hại lên đến 500 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Khang, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói: “Đó chỉ mới tính heo thịt bị thiệt hại, còn hàng loạt thiệt hại khác có liên quan như: hoạt động vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt heo, dịch vụ ăn uống, sản xuất thức ăn gia súc... thì không thể tính hết”.
Ông Lê Minh Khánh, chi cục trưởng Chi cục Thú y Tiền Giang, cho biết: “Nhiều người có ý định bỏ đói heo để giảm sức đề kháng dẫn đến bệnh rồi chết để được tiêu hủy. Ngoài ra, nhiều đại lý không bán thiếu thức ăn gia súc cho người nuôi heo do lo ngại không thu hồi được nợ”.
 
Để giúp người chăn nuôi giảm bớt thiệt hại, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết bộ đã linh động cho phép các địa phương có dịch heo tai xanh được phép giết mổ, tiêu thụ với điều kiện phải kiểm tra, xác định đàn heo được giết mổ chắc chắn sạch bệnh. Và khi vận chuyển đến lò giết mổ cũng phải được thú y giám sát chặt chẽ và lăn dấu kiểm dịch trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
“Về nguyên tắc khi có dịch là phải “đóng băng” hết để hạn chế lây lan. Do đó trong trường hợp này ngành thú y được giao nhiệm vụ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sản phẩm thịt heo được kiểm dịch đưa ra tiêu thụ” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
 
Kết thúc buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: “Đàn heo chưa bị bệnh còn rất lớn (trên 90%) nên tỉnh cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp dập dịch, không để lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân”.
VÂN TRƯỜNG
Sức mua thấp, giá thịt heo giảm
Ngày 12-8, lượng heo về chợ đầu mối Tân Xuân, huyện Hóc Môn (TP.HCM) chỉ còn 268 tấn, giảm 40 tấn so với những ngày trước. Sức mua ở chợ thấp nên thương lái giảm lượng heo về chợ để tránh lỗ.
Hiện giá heo hơi loại 1 xuống 30.000 đồng/kg (giảm 2.000-3.000 đồng/kg), thịt heo mảnh có mức giảm tương ứng còn 35.000-43.000 đồng/kg. Riêng giá heo lóc tại chợ sỉ rớt mạnh như đùi rọ 39.000 đồng/kg, nạc dăm 48.000 đồng/kg, cốt lết 45.000 đồng/kg, sườn non 68.000 đồng/kg.
Cục Chăn nuôi đã nhiều lần cho biết bệnh heo tai xanh chỉ làm heo chết, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi chứ không lây cho người, nhưng sức tiêu thụ thịt heo tại các chợ lẻ giảm hẳn, đặc biệt là các điểm bán heo tự phát do người tiêu dùng e ngại thịt heo không rõ nguồn gốc.
Tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) cho biết giá thịt heo đã rớt 4.000-5.000 đồng/kg nhưng sức mua vẫn không cải thiện. Cũng như nhiều chợ lẻ khác, chợ Hoàng Hoa Thám lấy hàng từ chợ sỉ với đầy đủ chứng nhận về an toàn nhưng người mua vẫn lo ngại.
N.BÌNH
 
Thêm một tỉnh có dịch heo tai xanh
Ông Văn Đăng Kỳ, trưởng phòng dịch tễ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết đến 18g ngày 12-8, cơ quan này đã chính thức ghi nhận dịch heo tai xanh đã xảy ra ở Đồng Tháp. Theo đó, dịch xuất hiện lẻ tẻ ở bốn xã thuộc huyện Lấp Vò, Tân Hồng và TP Cao Lãnh với gần 80 con mắc bệnh, trong đó số heo chết và tiêu hủy là 60 con.
Như vậy đến nay dịch tai xanh đang hoành hành tại 21 tỉnh thành là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang và Đồng Tháp.
Đ.BÌNH
Quảng Nam: hỗ trợ heo bị tiêu hủy bằng 70% giá heo hơi trên thị trường
Ngày 12-8, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố dịch heo tai xanh ở hai huyện Điện Bàn và Đại Lộc. Đến chiều 12-8, Điện Bàn và Đại Lộc đã có trên 14.000 con heo bị nhiễm bệnh, trong đó đã tiêu hủy hơn 4.100 con.
Theo Chi cục Thú y Quảng Nam, dịch tai xanh cũng vừa xuất hiện tại năm thôn của xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) với 131 con heo nhiễm bệnh (đã tiêu hủy 25 con).
Trong khi đa số các địa phương khác đều hỗ trợ tiêu hủy heo bệnh với giá 25.000 đồng/kg heo hơi thì Quảng Nam chỉ hỗ trợ ở mức bằng 70% giá heo hơi trên thị trường.
T.VŨ
Đắk Nông: phát hiện ổ dịch đầu tiên
Theo ông Nguyễn Văn Dương - trưởng trạm thú y huyện Đắk Glong (Đắk Nông), qua kiểm dịch động vật trên địa bàn đã phát hiện ổ dịch tai xanh đầu tiên trên đàn heo 35 con tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong. Số heo này do các hộ dân mua trôi nổi ở các tỉnh lân cận về làm giống chăn nuôi, hiện mỗi con nặng 5-7kg.
VĂN THÀNH
Hậu Giang: tiếp tục công bố dịch ở một xã và một thị xã
Ngày 12-8, UBND tỉnh Hậu Giang đã công bố dịch heo tai xanh tại xã Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp) và thị xã Ngã Bảy. Trước đó, Hậu Giang đã công bố dịch heo tai xanh tại các xã Đại Thành, Hiệp Lợi và phường Hiệp Thành (thị xã Ngã Bảy).
Ông Nguyễn Văn Đồng - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang - cho biết tiêu hủy heo tai xanh đến đâu thì cơ quan chức năng cố gắng hỗ trợ ngay cho dân với mức 25.000 đồng/kg heo hơi.
Theo ông Đồng, nếu heo trong vùng dịch có biểu hiện điển hình của bệnh tai xanh thì tiến hành tiêu hủy, không cần lấy mẫu xét nghiệm.
CHÍ QUỐC
Vận chuyển heo từ vùng dịch về Đồng Tháp
Ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết qua kiểm tra đã phát hiện xử lý một ghe và một xe tải chở heo không có giấy kiểm dịch từ Bến Tre và Tiền Giang về Đồng Tháp tiêu thụ.
Ngoài ra còn phát hiện một số trường hợp bán thịt heo không có dấu kiểm dịch của thú y, một số nơi heo bệnh được bán với giá chỉ 1-1,5 triệu đồng/con.
Đ.VỊNH

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/395089/Dich-heo-tai-xanh-Tien-Giang-thiet-hai-tren-400-ti-dong.ht


Các tin khác trong chuyên mục

>> Loay hoay lý giải giá thịt heo (16/07/2011)

>> Kết nạp đảng viên mới (17/10/2010)

>> ĐƯA VÀO SỬ DỤNG HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI TẠI TRẠI GÀ PHÚ SƠN (07/10/2010)

>> Có nên dùng vacxin heo tai xanh? (28/08/2010)

>> Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Tay không chống dịch heo tai xanh (19/08/2010)

>> Thịt heo trong nạn dịch tai xanh (14/08/2010)

>> Không thể cứ có đất là chăn nuôi! (14/08/2010)

>> Sự thật về thuốc chữa heo tai xanh tại Long An (13/08/2010)


Trở lại
 
Xem tin theo ngày
Từ Đến
Tìm kiếm theo tiêu đề
   
 
 
  Chuyên mục tin tức
    [css] Trong nước
    [css] Nội bộ
    [css] Thông báo
    [css] Cổ đông
    [css] Tuyển dụng
Thư điện tử       Đăng Nhập